Trung tâm Công nghệ Thông tin Địa lý (Center for Developing Information Technology And Geographic Information System – DITAGIS) là Trung tâm khoa học – công nghệ trực thuộc và chịu sự quản lý của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, được thành lập theo Quyết định số 3029/GD&ĐT ngày 20/10/1994 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trung tâm DITAGIS là một trong những đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Thông tin Địa lý (GIS) tại Việt Nam. Trung tâm Công nghệ Thông tin Địa lý đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ/ĐHQG, cấp Tỉnh/Thành phố và nhiều dự án quốc tế. Những kết quả nghiên cứu đều được triển khai ứng dụng thực tế tại các địa phương và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
1. Chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm:
- Nghiên cứu, triển khai, ứng dụng Công nghệ thông tin và Hệ thống thông tin địa lý trong lĩnh vực quy hoạch lãnh thổ, bảo vệ và quản lý tài nguyên môi trường.
- Nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ khoa học mới thuộc các lĩnh vực môi trường như: Kỹ thuật môi trường, Quản lý môi trường, Khoa học môi trường, Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo.
- Sản xuất thử phần mềm và phần cứng từ kết quả nghiên cứu.
- Lập và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường; thiết kế, chế tạo, lắp đặt và kiểm định các công trình và thiết bị xử lý chất thải bảo vệ môi trường; tư vấn đánh giá và thẩm định tác động môi trường theo các quy định của Nhà nước.
- Thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ: thông tin, tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực trên.
2. Lĩnh vực hoạt động:
- Đào tạo: Tổ chức các khóa học GIS ngắn hạn, đào tạo chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Công nghệ Thông tin Địa lý và Môi trường.
- Dịch vụ: Thực hiện các dịch vụ nghiên cứu, ứng dụng, tư vấn, đánh giá, thẩm định về khoa học công nghệ trong các lĩnh vực Công nghệ Thông tin, GIS, Môi trường.
- Bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ: Thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm khoa học của Trung tâm nghiên cứu và đầu tư.
- Chuyển giao công nghệ: Chuyển giao công nghệ từ các sản phẩm nghiên cứu thuộc lĩnh vực Công nghệ Thông tin Địa lý và Công nghệ Môi trường.
-
Hoạt động hợp tác quốc tế:
– Hợp tác với các tổ chức và các nhà khoa học trong và ngoài nước trong các lĩnh vực Khoa học thông tin địa lý, Viễn thám, Môi trường…
3. Nhân lực:
- CBVC hiện nay của Trung tâm là 26 người, trong đó có 02 Phó Giáo sư, 06 Tiến sĩ, 10 Thạc sĩ.
- Ngoài ra Trung tâm còn cộng tác lâu dài với các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực CNTT, GIS và Môi trường tại Việt Nam.
4. Một số thành tựu nổi bật:
- Xây dựng được đội ngũ nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm với các Trung tâm nghiên cứu chuyên môn GIS trong khu vực Đông Nam Á.
- Tham gia thực hiện nhiều đề tài, dự án trong nước về GIS và Bảo vệ Môi trường và một số dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GIS.
- Trung tâm đã và đang hợp tác với nhiều Cơ quan, Tổ chức quản lý địa phương và Trung ương trong nước, cũng như xây dựng được mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng với nhiều tổ chức khoa học trên thế giới trong các lĩnh vực: Khoa học Thông tin địa lý, Công nghệ vũ trụ, Công nghệ thông tin, Môi trường… như: Environmental Systems Research Institute (ESRI) – Mỹ, University of California, Santa Barbara – Mỹ, University of Kentucky – Mỹ, University of Waterloo – Canada, Royal Melbourn Institute of Technology (RMIT) – Úc…
- Đào tạo GIS thông qua các khóa học ngắn hạn cho hàng ngàn học viên từ các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, Trung tâm còn tham gia đào tạo GIS cho các sinh viên tại nhiều trường Đại học, Cao đẳng tại khu vực TP.HCM như: Đại học Bách Khoa, Khoa Học Tự Nhiên, Nông Lâm, Tài Nguyên Môi Trường, Kỹ Thuật Công Nghệ, Kiến Trúc, Học Viện Hàng Không…
5. Định hướng phát triển:
Luôn nhận thức về trách nhiệm và vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển của nhà Trường và của đất nước, Trung tâm DITAGIS dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học đầu ngành không ngừng nỗ lực phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực GIS và Môi trường cho Trung tâm và các cơ quan địa phương trong cả nước thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ và đặc biệt là học hỏi, giao lưu, hợp tác với các tổ chức khoa học cùng lĩnh vực trên thế giới. Với tinh thần đó, Trung tâm xác định hướng phát triển:
- Tiếp tục nghiên cứu, triển khai, áp dụng các công nghệ khoa học tiên tiến thuộc các lĩnh vực Công nghệ thông tin không gian, Công nghệ vũ trụ, Hệ thống thông tin Địa lý và Môi trường.
- Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao chuyên môn về GIS và Môi trường cho các cá nhân, cơ quan – tổ chức có chức năng quản lý và tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức khoa học trong và ngoài nước.